Ngành GD – ĐT quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ nữ

Lượt xem:

Đọc bài viết

Triển khai công tác Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ phụ nữ, ngành GD &ĐT Kon Tum đã quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ cơ sở đạt 71,11%, vượt 1,11% so với mục tiêu đề ra…

1
Nhiều nữ cán bộ, giáo viên đã có nhiều đóng góp tích cực cho ngành GD-ĐT trong tỉnh. Ảnh: M.T

 

Những năm gần đây, thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, Sở GD – ĐT luôn quan tâm tạo điều kiện để chị em cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành có cơ hội được học tập, sáng tạo, khẳng định vai trò, vị thế trên các lĩnh vực đảm trách, góp phần vào những thành tích nổi bật mà ngành GD – ĐT đã gặt hái.

Theo số liệu thống kê của Sở GD – ĐT, năm 2010, toàn ngành có gần 78% số cán bộ, giáo viên, nhân viên là nữ đang phụ trách công tác quản lý, hay trực tiếp giảng dạy, hoặc tham gia công tác ở các vị trí khác. Căn cứ vào đó, giai đoạn 2011 – 2015, toàn ngành đã đưa ra mục tiêu phấn đấu thực hiện công tác bình đẳng giới với 70% số cán bộ giáo dục cơ sở là nữ được quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm – theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và cụ thể hóa Kế hoạch số 1533/KH-UBND của UBND tỉnh về công tác bình đẳng giới đến năm 2020.

Từ mục tiêu đề ra, ngành đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, giáo viên, nhân viên về công tác bình đẳng giới – vì sự tiến bộ phụ nữ trong tình hình mới. Cùng với đó, từng phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc tổng hợp số liệu đánh giá, theo dõi công tác huy động học sinh ra lớp bậc mầm non, phổ thông có sự quan tâm biến động tỷ lệ học sinh nữ; chú ý đến tỷ lệ các em nữ ra lớp ở lứa tuổi phổ thông, xóa mù chữ ở mọi lứa tuổi; quan tâm nâng cao trình độ đào tạo chuyên môn, năng lực công tác cho giáo viên, nữ cán bộ cơ sở giáo dục…

Hàng năm, Sở GD – ĐT đã giao nhiệm vụ cho 1 đồng chí Phó Giám đốc ngành phụ trách công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ của Sở thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở cơ sở giáo dục thực hiện có chuyển biến, đạt các chỉ tiêu bồi dưỡng, đưa vào quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ. Mặt khác, tăng cường nói chuyện, tuyên truyền, đả thông tư tưởng, xóa bỏ tâm lý tự ti ở chị em trong việc suy nghĩ an phận, chưa nỗ lực hết mình vì công việc; nhất là ngại khó, ngại khổ khi được các cấp tạo điều kiện học tập, nghiên cứu để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng công tác quản lý.

Đồng thời, công đoàn ngành phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành phố làm tốt công tác cán bộ nữ như: đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí sử dụng cán bộ nữ và lao động nữ; tổ chức hội thảo, triển khai phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đến toàn thể nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên…

Ở những vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, ngành luôn nhắc nhở anh em các phòng, ban quan tâm phân công nhiệm vụ, luân chuyển cán bộ giáo viên nữ đảm bảo thuận lợi cho sinh hoạt gia đình, phục vụ tốt nhiệm vụ dạy học; nhất là chị em ở các vùng xa, vùng DTTS hạn chế điều động luân chuyển, không tạo áp lực trong công tác giảng dạy, để nữ giới tự phát huy năng khiếu, sở trường đã được đào tạo. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các chị tổ chức sinh hoạt, chia sẻ tâm tư nguyện vọng và giúp nhau vượt qua khó khăn về chuyên môn, thời gian tự học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến kinh nghiệm giảng dạy, quản lý ở cơ sở.

Qua các năm, tỷ lệ cán bộ nữ trong ngành đã được quy hoạch gắn với đào tạo bổ nhiệm, bố trí sử dụng tăng 5-10%; đến năm học 2014 – 2015, nữ giáo viên bậc mầm non đạt gần 100%, bậc tiểu học trên 80% với đội ngũ nữ tổ trưởng chuyên môn, giáo viên dạy giỏi các cấp, đây là nguồn quy hoạch đa dạng để lựa chọn những đồng chí ưu tú phục vụ công tác quản lý giáo dục tại cơ sở.

Tổng kết gần 4 năm triển khai đồng bộ công tác Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ phụ nữ, chị em phụ nữ trong ngành GD &ĐT được nâng cao vị thế, phát huy sở trường, gặt hái nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực công tác, đồng thời xây dựng hình mẫu gia đình truyền thống Việt Nam thời kỳ mới no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đáng ghi nhận là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ cơ sở đạt 71,11%, vượt 1,11% so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, ở cấp sở có 1 nữ Phó Giám đốc, 2 cán bộ cấp phòng; 9 phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đều có trên 30% cán bộ nữ. Toàn ngành có 502 nữ cán bộ/929 cán bộ cơ sở giáo dục; trên 95% số chi bộ cơ sở đều có nữ tham gia cấp ủy; 100% cán bộ quản lý nữ đạt chuẩn đào tạo chuyên môn, có 1 nữ tiến sĩ, có 5 cán bộ nữ được nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà nước ưu tú”.

Mai Trâm