Những khó khăn trong tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh

Lượt xem:

Đọc bài viết

Hiện nay, ở các trường vùng sâu, vùng xa có tổ chức ăn bán trú, việc nấu ăn cho học sinh thường là do giáo viên và học sinh tự làm, hoặc do phụ huynh phối hợp với giáo viên tổ chức nấu cho các em

Bữa ăn trưa của các em học sinh bán trú Trường Tiểu học Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: V.P

 

Những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của ngành Giáo dục và các địa phương, nhiều trường ở vùng khó khăn đã thực  hiện bán trú. Đây là một trong những động lực tiếp bước cho học sinh đến trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các vùng khó. Tuy nhiên, việc tổ chức bán trú cho học sinh còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc tổ chức các bếp ăn bán trú…

Động lực tiếp bước học sinh đến trường

Theo số liệu thống kê của Sở GD – ĐT, toàn tỉnh hiện có 53 trường tiểu học và THCS có bếp ăn bán trú. Ngoài ra, hầu hết các trường mầm non cũng tổ chức bếp ăn bán trú tại các điểm trường chính.

Ông Nguyễn Hoá – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Ở các vùng khó khăn, học sinh hầu hết ở xa trường, việc đi học rất vất vả, kinh tế gia đình các em cũng khó khăn, nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc duy trì sĩ số. Hiện nay, với sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của phụ huynh và cùng sự nỗ lực của các trường, ngành Giáo dục đã từng bước triển khai rộng rãi mô hình trường bán trú với việc tổ chức cho các em ăn, ở bán trú tại trường. Việc thực hiện bán trú cũng đồng nghĩa với việc thầy cô của các trường thêm vất vả, tăng phần trách nhiệm. Nhưng đây thực sự là động lực để nâng bước học sinh đến trường, giúp duy trì sĩõ số, tỷ lệ chuyên cần; tạo điều kiện cho các trường tổ chức dạy ngày 2 buổi, giáo dục các em kỹ năng sống; qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS…

Ở huyện Sa Thầy, năm học này, toàn huyện có 13 trường mầm non tổ chức ăn bán trú tại điểm chính của trường và 2 trường tiểu học, 3 trường PTDT bán trú có tổ chức ăn bán trú tại trường. Bên cạnh đó, huyện còn có 6 trường được sự hỗ trợ của dự án SEQAP và 2 trường được sự hỗ trợ của dự án VNN hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn ăn bán trú mỗi tuần 2 buổi. Theo bà Hồ Thị Mai Châu – Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện, những năm trước, việc vận động học sinh ra lớp luôn là nỗi lo thường trực với ngành Giáo dục của địa phương. Lý do mà nhiều học sinh ngại tới lớp là do đường xa, đi lại khó khăn, nhất là những lúc thời tiết mưa bão, có gió lớn… và sự thiếu thốn về kinh tế của gia đình. Nhưng mấy năm nay vấn đề này đã được cải thiện, một phần nhờ các trường đã tổ chức bán trú, phụ huynh yên tâm cho con đi học, học sinh cũng phấn khởi và bớt phần khó khăn khi đi học.

Vẫn còn những nỗi lo

Tuy nhiên, việc tổ chức cho học sinh bán trú ở vùng khó khăn vẫn còn những vấn đề khiến ngành Giáo dục và các cấp, các ngành trăn trở, trong đó, lo lắng lớn nhất chính là vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm ở các bếp ăn tập thể.

Theo ông Nguyễn Hoá, hiện nay, cơ sở vật chất của đa số các bếp ăn bán trú còn khá sơ sài, chưa đảm bảo các quy định về vệ sinh ATTP. Các bếp ăn hầu như do nhà trường tự vận động xây dựng nên còn khá tạm bợ, chỉ mới giải quyết được vấn đề có chỗ nấu nướng, ăn uống. Bên cạnh đó, nguồn cung cấp thực phẩm cho các trường vùng sâu, vùng xa còn gặp rất nhiều khó khăn; chủ yếu là mua của những mối thân quen, hoặc của những người chuyên bán hàng rong. Trong khi đó, việc kiểm soát nguồn thực phẩm ở một vài trường còn chưa chặt chẽ, quy trình chế biến chưa đảm bảo theo quy định, việc vệ sinh nhà bếp, nhà ăn, dụng cụ nấu ăn, vệ sinh cá nhân học sinh cũng chưa đảm bảo. Đây là những nguy cơ dễ dẫn đến mất vệ sinh ATTP.

Ngoài ra, hiện nay, ở các trường vùng sâu, vùng xa có tổ chức ăn bán trú, việc nấu ăn cho học sinh thường là do giáo viên và học sinh tự làm, hoặc do phụ huynh phối hợp với giáo viên tổ chức nấu cho các em. Ở một số nơi có sự hỗ trợ của địa phương, các trường hợp đồng thuê người cấp dưỡng. Tuy nhiên, điều  đáng nói, mặc dù hàng năm ngành Giáo dục đều tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về kiến thức trong chọn thực phẩm, nấu ăn, kiểm tra sức khoẻ đình kỳ, việc ăn mặc, vệ sinh đối với những đối tượng trực tiếp nấu ăn; nhưng ở nhiều trường điều này vẫn chưa được chú trọng, nhất là với những người cấp dưỡng được hợp đồng.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một vài trường hợp ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở các trường. Điều này, khiến ngành Giáo dục đứng trước nỗi lo về vấn đề vệ sinh ATTP ở những bếp ăn bán trú vùng khó khăn. Nỗi lo từ những bếp ăn bán trú, khiến ngành Giáo dục phải trăn trở và ngành tiếp tục có các giải pháp để nâng cao chất lượng bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng tạo động lực để các em đến trường, duy trì sĩ số học sinh.

Ông Nguyễn Hoá – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Dù còn nhiều khó khăn và hạn chế, nhưng việc xây dựng các bếp ăn bán trú là cần thiết, bởi đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn. Để hạn chế những mối lo, thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ phối hợp với các địa phương tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các bếp ăn đảm bảo quy định; đầu tư bàn ghế, tủ đựng thức ăn, dụng cụ nấu ăn; đặc biệt sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức về ATTP cho những người nấu ăn và tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, nâng cao trách nhiệm của người chăm sóc học sinh… để các em và các gia đình yên tâm .

                                                                                   Thuỳ Hươn