Những chuyển biến tích cực qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở tỉnh Kon Tum

Lượt xem:

Đọc bài viết

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Bộ Chính Trị (khóa X) khởi xướng và phát động đã trải qua hơn 5 năm. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ là một chủ trương đúng đắn, vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Có thể nhìn nhận thấy rằng từng cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum đều nhận thức việc học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ là một việc không thể thiếu được trong cuộc sống hằng.

Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện cuộc vận động, tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều thành quả tích cực theo chủ đề của từng năm. Từ khâu tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng đến khâu tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức như: tổ chức Hội thi báo cáo viên giỏi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tổ chức Tọa đàm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tổ chức Hội thi tìm hiểu tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với chủ đề “Bác Hồ – Người là niềm tin tất thắng”, tổ chức Hội thi hành trình theo chân Bác, tổ chức kể một mẫu chuyện về Bác trong các buổi họp Chi bộ, Đảng bộ cơ sở, trong những lần chào cờ đầu tuần vào sáng thứ hai tại các địa bàn khu dân cư trong tỉnh đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức ở mỗi con người về tấm gương đạo đức của Người.

Nhiều tổ chức cơ sở Đảng các cấp, cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp Nhà nước, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội đã sáng tạo, tổ chức nhiều phong trào hành động, phong trào thi đua dựa vào chức năng, nhiệm vụ cụ thể của đơn vị mình để chọn những vấn đề trọng tâm, bức xúc, đột phá làm theo gương Bác để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Như người xưa đã từng nói, trời có bốn mùa: “xuân – hạ – thu – đông”; đất có bốn phương: “đông – tây – nam – bắc”; con người có bốn đức tính: “cần, kiệm, liêm, chính”. Nếu thiếu đi một mùa thì không còn là trời, thiếu đi một phương thì không còn là đất, thiếu đi một đức tính thì không còn là con người. Điều đó cũng nói lên tính đoàn kết, gắn bó từ trên xuống dưới và ngược lại, từ thấp lên cao theo đúng thứ tự quy luật.

Chúng ta là cán bộ, đảng viên, công chức, là một trong những phần tử nhỏ của từng đơn vị và của cả hệ thống chính trị. Vì thế, chúng ta phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, không màng đến lợi ích cá nhân mà xâm hại lợi ích của đất nước, của nhân dân. Luôn đặt nhiệm vụ cá nhân ở vị thế “mình vì mọi người” chứ đừng để “mọi người vì mình”, tránh xa chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi dễ gây mất đoàn kết nội bộ, ý thức tổ chức, kỷ luật kém, tinh thần trách nhiệm không cao, từ đó, rất dễ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, làm mất niềm tin của dân đối với Đảng, Chính quyền cách mạng.

Để thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong năm 2015, với chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”. Nâng cao nhận thức việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp nối những chuyên đề đã được học tập trong những năm qua; cụ thể hóa nội dung phù hợp với tình hình và nhiệm vụ của năm 2015; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, mỗi một người dân và cán bộ của chúng ta cần xác định rõ những việc cần làm sau:

Luôn sống và làm việc theo đúng Hiến pháp và pháp luật, chấp hành tốt Điều lệ Đảng và những điều đảng viên không được làm; ra sức góp phần xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong các hội nghị, cuộc họp của tổ chức Đảng, Chính quyền và hệ thống Mặt trận Tổ qốc Việt Nam, mạnh dạn nói thẳng, nói thật trên tinh thần xây dựng, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau khi bàn bạc, đóng góp ý kiến các vấn đề trọng tâm trong xây dựng Đảng, công tác tổ chức cán bộ, phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Cùng các Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tích cực đi cơ sở để nắm bắt dư luận xã hội, thông qua kênh giám sát, phản biện mà trình bày, phản ánh đến các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết sự việc sao cho thấu tình, đạt lý; tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, giám sát các dự án, công trình thi công có sự đóng góp hiện vật, công sức của nhân dân trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện những sai sót để nhanh chóng sửa chữa trong quá trình thi công cũng như nghiệm thu…

Tự giác tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, phát huy dân chủ, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, của các Chi bộ, Đảng bộ trực thuộc, để từ đó, chúng ta luôn giữ vững được sự trong sạch – vững mạnh của toàn Đảng. Cấp ủy đảng các cấp cần quán triệt các nội dung học tập và làm theo tấm gương của Bác, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, quán triệt và thực hiện trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về các nội dung của chuyên đề: phẩm chất “trung thực” và “trách nhiệm”; “gắn bó với nhân dân”; “đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” chú trọng cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp.

Cấp ủy phối hợp với lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội tập trung giải quyết dứt điểm những điểm còn tồn đọng, gắn với kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ra sức phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh của các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ngành phát động; quan tâm chăm lo, xây dựng, củng cố đội ngũ những người làm công tác Mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; gần gủi, sâu sát với nhân dân để kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm và nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh những bức xúc, yêu cầu chính đáng của nhân dân đến với Đảng và Chính quyền; đồng thời giám sát và phản biện những trả lời, giải quyết của Chính quyền cho dân rõ, dân hiểu; tìm cách khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống, cũng như những tín ngưỡng tốt đẹp của cộng đồng các tôn giáo đang sinh hoạt trên địa phương.

Có làm được như vậy thì mới khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm lành mạnh nền đạo đức xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững và cơ bản nhất là mỗi người chúng ta phải nhận thức đầy đủ vị trí của vấn đề đạo đức, thường xuyên tự giác, nỗ lực học tập, rèn luyện, tu dưỡng theo tấm gương đạo đức của Người./.

Nguyễn Đăng Bình- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh Kon Tum